Quản lý chất lượng bê tông tươi làm sao tốt nhất luôn là câu hỏi nhận được sự quan tâm của các gia chủ xây nhà bởi nếu không có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn rất khó để kiểm soát. Bê tông tươi hẳn không còn quá xa lạ trong xây dựng hiện nay bởi tính ứng dụng phổ biến. Các công trình nhà ở dân dụng hiện nay cũng chủ yếu là sử dụng bê tông tươi, tuy nhiên không phải gia chủ nào cũng biết cách quản lý chất lượng bê tông tươi, tránh mất tiền oan và đảm bảo chất lượng công trình.
Quy trình quản lý chất lượng bê tông tươi
Bê tông tươi hay bê tông thương phẩm là hỗn hợp vật liệu xây dựng quyết định phần lớn đến chất lượng cũng như tuổi thọ của công trình. Vì vậy việc quản lý chất lượng bê tông tươi là vô cùng quan trọng để xác định chất lượng bê tông có đúng với yêu cầu của đặt ra trong thi công cũng như yêu cầu của gia chủ khi làm việc với đơn vị cung cấp bê tông hay không. Đồng thời đưa ra hướng khắc phục nếu có sai sót.
Kiểm tra số BKS của xe chở bê tông tươi
Việc đầu tiên trong quy trình quản lý chất lượng bê tông tươi là kiểm tra số BKT trên phiếu giao nhận xem có giống với số BKS của xe chở bê tông hay không. Đây là bước vô cùng quan trọng mà nhiều người bỏ qua, có thể là trong quá trình vận chuyển bị nhầm lẫn thông tin khiến các xe chở bê tông bị điều động sai khu vực. Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan mà phải kiểm tra số BKS xe chở bê tông để tránh nhầm lẫn với công trình khác.
Kiểm tra Mác bê tông
Trên phiếu giao nhận bê tông tươi sẽ ghi rõ MÁC bê tông là bao nhiêu, vì vậy bạn cần phải kiểm tra xem số MÁC bê tông trên phiếu giao nhận có đúng đúng với yêu cầu đặt ra khi làm việc với đơn vị cung cấp bê tông tươi hay chưa. Nếu MÁC bê tông không đúng thì phải yêu cầu trạm đổi, tránh ảnh hưởng đến công trình.
Kiểm tra độ sụt của bê tông tươi
Với nhà dân dụng: Độ sụt tốt nhất là 10 ± 2 (tối đa là độ sụt bê tông 12 ± 2 khi lên cao) khi dùng bơm để đổ bê tông. Đối với bê tông móng không dùng bơm mà đổ trực tiếp thì độ sụt tốt nhất là 6 ±2. Các công trình có quy mô lớn thì sẽ có độ sụt khác nhau. Với mỗi công trình sẽ có cách chọn độ sụt khác nhau, vì vậy gia chủ cần chú ý để có thể tiến hành kiểm tra độ sụt bê tông bởi đây là công đoạn vô cùng quan trọng.
Kiểm tra khối lượng bê tông tươi
Kiểm tra trên phiếu giao nhận xem khối lượng bê tông giao đến có đúng với khối lượng yêu cầu hay không.
Kiểm tra thời gian bê tông rời trạm trộn
Theo tiêu chuẩn thông thường thì thời gian bê tông tươi rời trạm trộn không được quá 1,5 tiếng vận chuyển cũng như không quá 60km. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan khác nhau, nhưng nếu vượt quá thời gian quy định thì gia chủ nên cân nhắc nguyên nhân để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho công trình.
Kiểm tra số chì
Trên phiếu giao nhận bê tông luôn có một phần không thể thiếu đó là số chì, số chì có thể hiểu đơn giản là số niêm phong trước khi bê tông tươi được sử dụng. Gia chủ cần phải kiểm tra số chì xem có còn nguyên hay không bởi một số tài xế trong quá trình vận chuyển bê tông tươi có thể rút lõi hoặc bán chui một phần bê tông, chủ nhà rất khó để phát hiện.
Đúc mẫu bê tông thí nghiệm
Một trong những việc không thể bỏ qua khi đổ bê tông là đúc mẫu bê tông thí nghiệm. Thông thường cứ 20 khối là sẽ tiến hành đúc tối thiểu 3 mẫu sau đó dán tem ghi rõ thông tin lên mẫu, có thể tiến hành ngâm nước bảo dưỡng tại công trường luôn. Sau 28 ngày đi kiểm tra ở phòng thí nghiệm bằng máy chuyên dụng, nếu bê tông đúc mẫu đạt nén bằng hoặc trên MÁC bê tông là đạt yêu cầu